1
Bạn cần hỗ trợ?

Công nghệ RFID là gì và có ứng dụng thế nào trong hoạt động logistics?

RFID là một kỹ thuật nhận dạng sóng vô tuyến từ xa, cho phép dữ liệu trên một con chíp được đọc một cách “không tiếp xúc” qua đường dẫn sóng vô tuyến ở khoảng cách từ 50 cm tới 10 mét, sử dụng thiết bị thẻ RFID và một đầu đọc RFID.

Ứng dụng của công nghệ RFID

1.Công nghệ RFID là gì và có ứng dụng thế nào trong hoạt động logistics?

RFID, viết tắt từ Radio Frequency Identification, là phương pháp nhận dạng dựa trên sóng vô tuyến. Thông qua việc nhận dạng này, các nhà quản lý có thể ghi nhận tình trạng xuất/nhập của hàng hóa, xác định vị trí cũng như truy xuất đường đi của một món hàng. Do sử dụng sóng vô tuyến, hệ thống RFID không phát ra tia sáng như trong công nghệ mã vạch. Sóng vô tuyến có thể truyền được khoảng cách xa hơn (đến 10 mét) và xuyên qua một số loại vật liệu, do đó giúp việc nhận diện hàng hóa trở nên dễ dàng hơn. Công nghệ này đòi hỏi phải có một thẻ RFID và một đầu đọc. Con chíp gắn trên thẻ RFID chứa được nhiều hơn dữ liệu so với một mã vạch thông thường, do vậy có thể cung cấp nhiều thông tin liên quan đến hàng hóa hơn, ví dụ không chỉ tên hàng, tên nhà sản xuất, nước sản xuất mà còn cả ngày sản xuất, ngày xuất kho, thời hạn sử dụng, … Khác với mã vạch, dữ liệu lưu trên thẻ RFID có thể sửa đổi, cập nhật được. Do thời gian đọc dữ liệu rất nhanh nên cùng một lúc đầu đọc RFID có thể nhận diện được nhiều thẻ khác nhau. Ví dụ, trên một chiếc xe tải gắn thẻ RFID, khi xe đi qua cửa kho hoặc trạm kiểm soát, đầu đọc RFID sẽ ghi nhận chính xác giờ xe đã ra hoặc vào, đi hoặc đến, từ đó quản lý được tình trạng hoạt động của xe.

2. Hàng hóa trong logistics được phân loại như thế nào?

Hàng hóa là đối tượng chính của hoạt động logistics. Khái niệm hàng hóa rất rộng, bao gồm tất cả những vật thể hữu hình, đối với doanh nghiệp đó có thể là nguyên vật liệu, nhiên liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm, thành phẩm. Ngày nay, khái niệm hàng hóa còn được mở rộng sang cả hàng hóa vô hình, như các file nhạc, phim, ảnh kỹ thuật số, phần mềm, thông tin. Tuy nhiên, các loại hàng hóa vô hình này thường được giao nhận trực tiếp thông qua các phương tiện kỹ thuật số (máy tính, mạng Internet, điện thoại, máy tính bảng…) nên không được đề cập đến nhiều khi nói về logistics. Dựa theo kích thước, hàng hóa có thể phân ra thành các nhóm:

• Bưu kiện

• Hàng gia dụng

• Hàng thông thường

 • Hàng siêu trường, siêu trọng

Dựa theo tốc độ giao hàng, hàng hóa bao gồm hàng thông thường và hàng chuyển phát nhanh. Hàng chuyển phát nhanh thường là những món hàng kích thước nhỏ, giá trị cao và được giao bằng đường hàng không. Dựa theo khả năng tiêu chuẩn hóa khi vận chuyển, hàng hóa phân loại thành hàng đóng trong container và hàng rời. Hàng rời có thể vẫn đóng trong bao (gạo, muối, xi-măng, phân bón, thức ăn chăn nuôi), hoặc không có bao gói (quặng, than, cát, dăm gỗ, phế liệu kim loại). Xét theo khối lượng hàng so với phương tiện chuyên chở, người ta phân ra thành hàng nguyên container (hoặc hàng nguyên xe) và hàng lẻ, tức là khối lượng hàng không đủ đóng hết một container hoặc một xe tải. Chất lỏng (dầu mỏ, xăng, a-xít) là một dạng hàng hóa đặc biệt, đòi hỏi phải có thùng chứa riêng. Tàu chở dầu là một loại tàu riêng và thường có kích thước rất lớn. Ô-tô cũng là một loại hàng hóa đặc biệt khác, vì có thể tự di chuyển. Những con tàu chở ô-tô còn gọi là tàu RO-RO, viết tắt của roll on – roll off, nghĩa là lăn vào và lăn ra. Một số ô-tô vận chuyển riêng lẻ vẫn được đóng vào container và vận chuyển như những hàng hóa khác.

3. Các loại bao bì có vai trò thế nào trong logistics?

Mặc dù không đóng góp trực tiếp vào giá trị sử dụng của hàng hóa, nhưng bao bì là một thành phần không thể thiếu của hàng hóa trong quá trình vận chuyển, lưu giữ. Tùy theo tính chất, chủng loại, đặc điểm của mỗi loại hàng hóa, có những loại bao bì khác nhau, dưới dạng thùng, hộp, bao, chai, bằng vật liệu giấy, kim loại, carton, xốp, v.v… Với hàng hóa có kích thước nhỏ, hàng hóa có thể chứa trong nhiều lớp bao bì. Ví dụ mỗi chiếc kẹo đã được bao gói bằng lớp giấy bóng, 50 chiếc kẹo đóng vào một gói kẹo, 20 gói kẹo đóng vào một hộp giấy, 30 hộp này đóng vào một thùng. Để thuận tiện cho quá trình dỡ hàng, hàng hóa sau khi đóng vào bao, thùng hoặc hộp sẽ được xếp lên một giá gỗ gọi là pallet. Nếu là hàng hóa nhạy cảm với độ ẩm, người ta sẽ bao bọc cả pallet đó trong một lớp giấy bóng kính để bảo vệ. Ngoài chức năng bảo vệ, bảo quản hàng hóa khỏi hư hỏng, bao bì còn có tác dụng nhận biết thương hiệu, quảng cáo hàng hóa, cung cấp thông tin hướng dẫn sử dụng cho người dùng. Về mặt logistics, bao bì góp phần giúp cho việc vận chuyển hàng hóa được nhanh chóng, với khối lượng lớn.

4. Hàng hóa như thế nào được gọi là hàng hóa đặc biệt?

Hàng hóa đặc biệt là những loại hàng hóa sau đây:

 • Hàng nguy hiểm: ví dụ chất nổ, chất dễ cháy, chất có tính phóng xạ

• Hàng giá trị cao: vàng bạc, tiền, giấy tờ quan trọng

 • Hàng đòi hỏi chế độ bảo quản riêng: sinh phẩm, vác-xin, thực phẩm đông lạnh

• Hàng công nghệ cao: chip máy tính, điện thoại, máy tính bảng Các loại hàng hóa trên thường được vận chuyển bằng đường hàng không và cần được dành cho một khu vực riêng trong trung tâm logistics để chứa. Một số loại hàng hóa có tính chất đặc biệt khác, thường không thể vận chuyển chung với các hàng khác mà phải có phương tiện vận chuyển riêng. Ô-tô là mặt hàng có thể tự di chuyển, không cần phương tiện bốc xếp. Do vậy tàu chở ô-tô là loại tầu có nhiều tầng, có thể điều chỉnh độ cao cho các loại ô-tô khác nhau. Ô-tô được lái qua cầu dẫn vào tàu, cố định chặt, khi đến cảng đích lại lần lượt lái ra. Gia súc (bò, ngựa) cũng có loại tàu riêng, được thiết kế giống như một trang trại nổi. Trong quá trình vận chuyển, gia súc vẫn được chăm sóc và sinh hoạt giống như trên mặt đất. Ở cảng đến, gia súc sẽ đi theo các ống lồng dẫn thẳng vào ô-tô chở gia súc đợi sẵn, đưa về các trang trại. Các loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng (cánh quạt phát điện gió, đường ống dẫn dầu, cấu kiện tua-bin thủy điện, …) cũng là một dạng hàng hóa đặc biệt tiêu dùng hàng ngày của con người như ăn, mặc và có giá thấp nên nhiều người có thể mua. Đây cũng là những mặt hàng phổ biến thường thấy bán trong siêu thị như rau củ, hoa quả, thịt cá, sản phẩm sữa, bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát, chè, cà-phê, giấy ăn, bột giặt, v.v… Mặc dù số lượng tiêu dùng của mỗi cá nhân nhỏ, nhưng do là nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội nên khối lượng tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh mỗi ngày là rất lớn. Mặt khác, do các mặt hàng tiêu dùng nhanh cũng rất đa dạng, trong đó lại có những mặt hàng đòi hỏi điều kiện bảo quản riêng biệt nên hoạt động logistics cho các mặt hàng này phải tính đến các yếu tố đảm bảo vận chuyển nhanh, giao hàng đến điểm nhận chính xác, đáp ứng đúng nhu cầu của mỗi cá nhân.

5. chỉ số LPI là gì ? Và dựa trên những tiêu chí nào?

LPI  là từ viết tắt của Logistics Performance Index. Đây là một chỉ số do Ngân hàng Thế giới đưa ra để xếp hạng sự phát triển logistics của các quốc gia. Chỉ số này được xác định hai năm một lần, vào các năm chẵn. Chỉ số LPI đánh giá dựa trên 6 tiêu chí:

 • Hạ tầng: Chất lượng của cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại và vận tải (cảng, đường sắt, đường bộ, công nghệ thông tin)

 • Giao hàng: Mức độ dễ dàng khi thu xếp các chuyến hàng với giá cả cạnh tranh

• Năng lực: Năng lực và chất lượng của các nhà cung cấp dịch vụ logistics, ví dụ các doanh nghiệp vận tải, người môi giới hải quan

• Truy xuất: Khả năng theo dõi và truy xuất các lô hàng

• Đúng lịch: Sự đúng lịch của các lô hàng khi tới điểm đích so với thời hạn đã dự định

 • Thông quan: Hiệu quả của các cơ quan kiểm soát tại biên giới, ví dụ như tốc độ, tính đơn giản, và khả năng dự đoán trước của các thủ tục khi thông quan Cho đến nay đã có năm lần xếp hạng LPI trong các năm 2007, 2010, 2012, 2014 và 2016. Lần xếp hạng gần đây nhất là năm 2016, Việt Nam đạt chỉ số LPI là 2,98, xếp hạng thứ 64 trên tổng số 160 quốc gia được đánh giá và xếp thứ 5 trong khối ASEAN. 5 nước có chỉ số LPI 2016 cao nhất là Đức, Luxembourg, Thụy Điển, Hà Lan và Singapore. Theo Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 đạt xếp hạng LPI từ 50 trở lên.

6. Chi phí logistics được tính toán như thế nào?

Chi phí logistics là một chỉ số quan trọng đo lường hiệu quả hoạt động logistics của doanh nghiệp cũng như của quốc gia, qua đó đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hay quốc gia đó. Đối với quốc gia, chi phí logistics cũng thường được so sánh với GDP như một chỉ số cơ bản khi xác định mục tiêu cũng như đánh giá hoạt động logistics của quốc gia, hoặc so sánh giữa các quốc gia với nhau. Việc tính toán chi phí logistics chưa có sự thống nhất giữa các nước. Tại Hoa Kỳ, chi phí logistics được nêu trong Báo cáo Hiện trạng Logistics công bố hàng năm bao gồm 3 thành tố chính: chi phí vận tải, chi phí lưu kho và chi phí quản lý. Chi phí vận tải bao gồm chi phí của vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, đường ống, cả trong nước và quốc tế, chi phí giao nhận và các chi phí khác liên quan đến chủ hàng. Chi phí lưu kho ngoài chi phí trả cho lưu giữ hàng hóa, còn bao gồm cả lãi suất, thuế giá trị gia tăng, bảo hiểm. Chi phí quản lý bao gồm tiền lương cho nhân viên, kể cả nhân viên gián tiếp, chi phí phần cứng, phần mềm. Hàn Quốc tính toán chi phí logistics từ những yếu tố chi tiết hơn. Theo đó chi phí logistics bao gồm các chi phí vận tải, lưu kho, đóng gói, bốc xếp, thông tin và quản lý. Chi phí vận tải bao gồm chi phí vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, đại lý và các chi phí khác liên quan đến chủ hàng. Đường thủy bao gồm cả thủy nội địa, vận tải biển nội địa và vận tải biển quốc tế. Vận tải biển quốc tế chia ra vận tải bằng đội tàu trong nước và vận tải bằng đội tàu nước ngoài. Cách tính với vận tải hàng không cũng tương tự.

7. Các xu hướng phát triển chính của logistics hiện nay là gì?

Logistics hiện đại đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, đồng thời cũng chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố quản trị, công nghệ, môi trường… Có thể nhìn thấy một số xu hướng phát triển chính của logistics trong thời gian tới như sau:

 • Tích hợp sâu với các công nghệ hiện đại: Bên cạnh ứng dụng công nghệ thông tin, logistics sẽ sử dụng cả các thành tựu của công nghệ sinh học, vật liệu mới.

 • Thâm nhập sâu vào các lĩnh vực của đời sống: Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, thương mại mà logistics sẽ có ứng dụng ngày càng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ việc giải quyết vấn đề ùn tắc đô thị cho đến tổ chức hoạt động du lịch, …

 • Hướng đến thân thiện với môi trường: Bên cạnh các yếu tố hiệu năng như chi phí, thời gian, độ tin cậy thì việc hướng đến bảo vệ môi trường cũng là một tiêu chí đặt ra cho logistics trong thế kỷ XXI.

 • Tự động hóa cao độ: Nhiều quy trình trong chuỗi logistics được tự động hóa, đảm bảo tính chính xác, năng suất tăng lên, rút ngắn thời gian…

 • Chuyên môn hóa gắn với quá trình tập trung, tích hợp cả chuỗi hoạt động logistics: Các doanh nghiệp logistics cố gắng chuyên môn hóa cao để đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Bên cạnh đó, hình thành những doanh nghiệp logistics lớn điều hành, chi phối gần như toàn bộ chuỗi logistics, mỗi doanh nghiệp logistics nhỏ chỉ đảm nhiệm một phần trong chuỗi đó.

Ý kiến bạn đọc (0)

© 2022 Mã Vạch Siêu Thị. Tư vấn mua hàng THU HOÀI.