Những loại mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mì tôm, đường… đều tăng theo giá xăng ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
“Mỗi lần đi chợ như bị móc túi”
7h sáng, chị Nguyệt, chủ một tiệm tạp hóa trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội) bắt đầu dọn hàng ra sạp nhưng chị lại không mấy vui vì giá hàng hóa tăng chóng mặt trong những ngày gần đây. Về lý thuyết, nếu giá nhập tăng thì giá bán ra tăng và người bán sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nhưng trên thực tế là người bán lại rất ảnh hưởng vì lượng khách sụt giảm.
“Khi giá hàng hóa tăng cao, mọi người sẽ hạn chế mua sắm và thắt chặt chi tiêu hơn, từ xưa đến nay vẫn vậy. Để giữ chân khách, tôi phải chấp nhận ăn lãi ít đi và chọn nhà phân phối tốt hơn thì mới cạnh tranh với các cửa hàng khác”, chị nói.
Theo chị Nguyệt, một tuần trở lại đây, các mặt hàng gia dụng, thực phẩm ở cửa hàng của chị đều tăng khi giá xăng tăng. Cụ thể, dầu ăn tăng 3.000 đồng/chai (loại 1 lít), mì tôm tăng 8.000 đồng/thùng, đường trắng tăng 2.000 đồng/kg lên 25.000 đồng. Các mặt hàng khác như muối, mì chính, mì gạo, hạt nêm cũng đồng loạt tăng thêm 1.000 – 2.000 đồng.
Với nhiều gia đình, giá hàng hóa tăng nhanh là bài toán hóc búa cần phải giải trong thời gian tới. Đơn cử, chị Thảo Mai (Hà Đông, Hà Nội) phải cắt giảm khoản chi tiêu hàng ngày của bố mẹ để bù cho con cái. “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, quỹ lương của gia đình tôi sụt giảm vì vợ chồng tôi không đi làm thêm được nhiều. Cho nên, giá cả hàng hóa tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng tôi. Vì ở thành phố cái gì cũng phải mua mà các con thì đang tuổi ăn, tuổi lớn nên tôi không muốn cắt giảm khoản gì nên bố mẹ đành chấp nhận vậy”, chị nói.
Chị Mai cho biết, trung bình mỗi tháng nhà chị tiêu hết 10 – 12 triệu đồng cho việc ăn uống, mua sắm. Còn trong trường hợp giá hàng hóa tăng như hiện nay thì mỗi tháng chị sẽ tốn thêm 2 – 3 triệu đồng.
Áp lực sẽ trở nên lớn hơn với những cặp vợ chồng trẻ như gia đình chị Ngọc Lan (Cầu Giấy, Hà Nội). Nếu trừ hết chi phí sinh hoạt của gia đình, mỗi tháng, vợ chồng chị chỉ để ra được 1 – 2 triệu đồng tiết kiệm.
“Dạo này, mỗi lần tôi đi chợ cảm thấy như bị móc túi. Tôi mua có vài thứ đã hết tiền triệu trong khi tiền thì chẳng kiếm ra. Ngày trước, rau chỉ cần 5.000 đồng là có thể mua được 1 bó rau, giờ tăng giá phải đến 10.000 – 12.000 đồng/bó. Dầu ăn tăng 3.000 – 4.000 đồng/chai, muối, mì chính, tương ớt đều tăng cả. Những mặt hàng này là đồ dùng thiết yếu nên tôi vẫn phải dùng hàng này nên có tăng giá vẫn phải mua”, chị Lan than thở.
Không chỉ thực phẩm, các mặt hàng khác như thuốc uống cũng cấp tập tăng theo. “Nhiều số loại thuốc cơ bản như Panadol, thuốc cảm cúm, thuốc ho đều nhích thêm 1.000 – 2.000 đồng/hộp. Một số dòng thuốc của dược Hậu Giang cũng tặng nhẹ từ 500 – 1.000 đồng/hộp. Đặc biệt, thuốc thực phẩm chức năng tăng từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/hộp”, anh Dũng, chủ một tiệm thuốc ở Hà Nội nói.
Ngoài ra, anh Dũng còn cho biết, từ khi giá xăng tăng, cước vận chuyển cũng tăng khiến các tiệm thuốc chóng mặt vì nhu cầu mua online của khách tăng cao trong mùa dịch. Trung bình mỗi đơn hàng sẽ phải gánh thêm 5.000 đồng phí vận chuyển.
“Từ khi xăng tăng giá, phí vận chuyển nội thành cũng tăng nên tôi phải thu thêm của khách 5.000 đồng/đơn. Điều này khiến nhiều người không hài lòng, thậm chí, có người còn bảo chúng tôi bắt chẹt khách hàng nhưng mọi người không hiểu là chúng tôi cũng phải đi thuê shipper ngoài”, anh nói.
Anh Dũng cho biết nếu giá thuốc còn tăng trong thời gian tới, nhà thuốc sẽ phải tính đến những phương án dài hơi. Tuy nhiên, với ông chủ tiệm thuốc này, giá cả hàng hóa tăng đột biến chính là một loại áp lực khó nhằn và khiến người trong cuộc đau đầu tìm giải pháp.
Lo nguy cơ lạm phát
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết những “cú sốc” khi giá dầu tăng cao đã tác động mạnh đến nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
“Cú sốc” giá dầu tăng có những tác động bất lợi đối với nền kinh tế, do vậy cần đặc biệt lưu tâm để có những giải pháp hữu hiệu giảm thiểu những tác động tiêu cực.
Ông Thỏa phân tích, giá xăng dầu tăng thì tác động bao trùm nhất đối với tăng trưởng GDP. Theo đó, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5% (theo tính toán của chuyên gia thống kê).
“Theo tính toán của tôi khi giá xăng dầu tăng 10% (cố định các yếu tố khác) thì lạm phát của nền kinh tế sẽ tăng trực tiếp của vòng 1 khoảng 0,35-0,36%, nếu tính cả vòng 2 thì lạm phát khoảng 0,87-0,9%; Tác động đối với tổng chi phí của nền kinh tế tăng khoảng 0,352%”, ông Thỏa nói.
Riêng với 2 lĩnh vực kinh tế cụ thể sử dụng nhiều xăng dầu, ông Thỏa cho biết, giá xăng dầu nếu tăng 10% sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng, tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh và mặt bằng giá thị trường. Cụ thể đối với ngành vận tải, giá thành sẽ tăng 3,5-4% và ngành thủy sản đánh bắt xa bờ sẽ tăng 5-6%…
Còn đối với tiêu dùng, vị chuyên gia cho biết, các hộ gia đình không chỉ phải trả tăng thêm chi tiêu về xăng dầu cho việc đi lại hàng ngày 10% mà còn bị tác động thêm bất lợi kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng do tác động của giá xăng dầu tăng.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cũng dẫn tính toán từ Tổng cục Thống kê cho biết, nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100-125 USD/thùng thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40-75%. Khi đó chỉ riêng yếu tố xăng dầu tác động làm lạm phát của nền kinh tế tăng 1,44-2,7%.
Ông Bình lo ngại những yếu tố tác động và loạt hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu quan trọng cho quá trình sản xuất để xuất khẩu cũng như chi phí hậu cần, vận chuyển, năng lượng lần lượt tăng vọt và chưa thấy điểm dừng sẽ tác động tới lạm phát.
Ý kiến bạn đọc (0)